Chơ Ro níu giữ hồn xưa - Kỳ 3: Miệt mài truyền nghề
Trước nguy cơ văn nghệ dân gian của
dân tộc Chơ Ro bị xóa sổ trong cơn 'mưa Âu gió Mỹ', những nghệ nhân tại
H.Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn miệt mài truyền nghề cho con em
đồng bào
Nghệ nhân đánh cồng chiêng (Goong) và đàn tre (Goong Kla) Lý Thị Nhiển, 75 tuổi, là người duy nhất ở H.Châu Đức giữ bộ chiêng đồng
7 tuổi đời hơn... 200 năm. Chỉ tay về khu vực xã Bàu Chinh, bà Nhiển
bảo cách đây hơn 70 năm, nơi này chỉ toàn cây cối, mỗi hộ xây một cái
nhà sàn và làm rẫy tại chỗ.
Giữ bộ chiêng hơn 200 năm
Câu hát “Lá rừng che kín đường về phồn hoa” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có lẽ đúng với làng của bà ngày ấy. Nhưng dù có sống “tách biệt”, người Chơ Ro
tại Châu Đức cũng không thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh. Chiêng
của họ đã kinh qua thời chinh chiến, những năm càn rừng chạy giặc, gia
đình bà Nhiển cứ liên tục chôn bộ chiêng, đợi yên vài ngày mới quay lại
lấy.
Nghệ nhân Lý Thị Nhiển “ép” hai đứa con mình học cách đánh cồng chiêng, đàn tre để dạy lại cho lớp trẻ |
Bà Nhiển cho hay, chiêng thiêng liêng vì không thể thiếu trong các lễ cúng Thần Lúa (Yang Va), Thần Rừng (Yang Bri), đặc biệt nếu bị bệnh, chiêng sẽ đánh dẫn đường “gọi” thần cho thầy Chang (gatung daq), bà Bóng (si-păm) “lên đồng” chữa bệnh. Trị hết bệnh sẽ hẹn ngày bốc xâm để trả lễ cho thần.
Ngày trước bà thường theo cha mình là thầy Chang đến những buổi lễ như thế để học lỏm rồi về thực hành với bộ cồng chiêng gia truyền. “Tôi nghe giai điệu, âm sắc rồi về tập tành. Bước ra khỏi rừng là tôi biết chơi và có thể dạy cho bạn bè”, bà Nhiển nói.
Thanh âm chiêng vang lên như niềm vui của người dân tộc. Đánh
chiêng đồng 7 phải có 5 người. Người mở đầu đánh vào cặp chiêng con,
buộc người sau đoán nốt đánh tiếp. Vì vậy muốn đánh được phải thuộc làu
những bài dân ca như Cầu mưa, Mời khách, Ru em... hay những bài của bà
Bóng hát mỗi khi lên đồng.
Bà Nhiển se lòng khi hiểu tiếng chiêng dân tộc vang lên rất nhỏ nhoi trong văn hóa đại chúng hiện đại.
“Mỗi dân tộc đều có riêng hành trình lịch sử. Chiêng gắn liền tín
ngưỡng “đồng bóng” nên thời bình với những tín ngưỡng và làn sóng âm
nhạc mới, chiêng suy sụp một phần. Nhiều người còn giữ bộ cồng chiêng
không biết làm gì, không hiểu được giá trị văn hóa nên bán cho... đồng
nát (ve chai). Chiêng bây giờ toàn pha sắt, đánh lên âm thanh lạng đi
đâu mất, nhất là bộ chiêng mà Nhà văn hóa xã mới mua, đánh chỉ cho kêu.
Tôi chịu không nổi nên phải đem bộ chiêng của gia đình lên trưng bày”,
bà Nhiển tâm sự.
Bộ đàn tre (Goong Kla) của đồng bào Chơ Ro |
Những lần bị tù đày khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, bà nhớ tiếng chiêng da diết. Với bà, chiêng còn là kỷ niệm của thời chinh chiến. Dù bây giờ truyền thống đánh chiêng chỉ mang tính chất triển lãm, giữ gìn nhưng cũng phải gắng dạy cho con cháu vì mất tiếng chiêng là mất luôn dân tộc. Nay bà đã “ép” được hai trong tám đứa con học đánh, cùng bà đi thi diễn trong nước. Thậm chí, bà Nhiển vẫn miệt mài sáng tác thêm nhiều giai điệu để dạy cho học sinh ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Trường PT DTNT), mong con em nối tiếp giữ gìn văn hóa dân tộc.
Mỗi năm, Nhà văn hóa Bàu Chinh (do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Sáu - con
trai bà Nhiển quản lý) tổ chức lễ cúng Thần Lúa (Yang Va) để gợi nhớ văn
hóa dân tộc. Đây cũng là môi trường dạy cách đánh cồng chiêng cho thế
hệ trẻ.
Cúng thần Lúa
Mỗi năm một lần, người Chơ Ro có lễ cúng Yang Va (Thần
Lúa) mang ý nghĩa cầu an, mùa màng bội thu cho dân tộc, thường được tổ
chức ở rẫy lúa, nhà sàn dài. Trước đó cần chuẩn bị chùm lúa rẫy - vạt
lúa tốt nhất sau khi thu hoạch được để lại tại rẫy, tượng trưng cho “hồn
lúa” - đợi lễ mới rước về, bàn thờ nhang, cây nêu, rượu cần, bánh dày,
cơm lam, heo, gà…
Nghi thức cúng Yang Va gồm “rước hồn lúa”, trình Yang
Nhi (thần Nhà) và làm các con vật để hiến tế. Sau đó là cúng Yang Nhi,
cúng thần Lúa tại kho lúa rồi mới tới sinh hoạt cộng đồng. Mỗi cộng đồng
Chơ Ro cư trú ở những nơi khác nhau có những cách cúng kính khác nhau.
Đào mì dạy múa
Múa dân gian là một trong những loại hình văn nghệ yêu thích nhất
của đồng bào Chơ Ro. Mỗi khi nghe tiếng chiêng, người dân tộc bước ra
sân múa những điệu dân dã như đưa tay ngang vai, nhún nhảy nhẹ... Với
tài năng thiên phú từ nhỏ, đến nay nghệ nhân - biên đạo múa Dương Văn
Củng (43 tuổi, quê ở xã Hắc Dịch) vẫn miệt mài sáng tác, đưa các điệu
múa của dân tộc vươn xa, đồng thời truyền dạy chúng cho những nơi có
đồng bào Chơ Ro sống.
Thuở nhỏ anh Củng thường đi theo bác (là một thầy Bóng) đến những
lễ hội, bốc xâm (ngày trả lễ sau khi được chữa khỏi bệnh) của làng để
dâng lễ, múa hát. Từ đó, anh bắt chước theo những điệu múa của thầy
Bóng. Mỗi khi nghe ba (nghệ nhân đàn tre) chơi đàn, anh thường trốn ra
sau hè để... múa cho đỡ mắc cỡ.
Gia đình nghèo, nên anh Củng một buổi đi học, một buổi lên rẫy đào
khoai, mót mì, lượm ve chai để có tiền mua sách vở, quần áo. Trong
khoảng thời gian đi rẫy đó, người nghệ nhân trẻ tuổi chưa hề qua trường
lớp đã tự sáng tác những điệu múa dựa trên hình ảnh sản xuất đời thường
của dân tộc như bẫy chim, “chọc lỗ tra hạt” (loại hình canh tác thời sơ
khai của người dân tộc - PV), đánh chinh...
Anh Củng dạy múa cho học sinh |
Năm 1993, Trường PT DTNT tỉnh đưa vào hoạt động, anh Củng khi ấy 16
tuổi về học lớp sáu. Như cá gặp nước, anh gia nhập ngay đội văn nghệ
của trường, thành học trò ruột của nghệ nhân dân ca, Phó hiệu trưởng
trường, thầy Đào Văn Phước. Năm 1995, đoàn múa của anh “rinh” ngay giải
nhất hội thi hát văn các trường dân tộc nội trú diễn ra tại tỉnh Sông Bé
(cũ) và liên tục đoạt nhiều giải thưởng lớn từ đó
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp anh về làm việc ở Nhà văn hóa dân tộc
Châu Ro Phước Bình (H.Long Thành, Đồng Nai). Trong thời gian này, anh
Củng tiếp tục móc mì để kiếm kế sinh nhai và truyền nghề: “Tôi làm thuê,
móc mì, bốc vác từ 4 giờ sáng để kiếm sống. Tối về nhà văn hóa dạy chữ,
dạy múa cho đồng bào”. Tuy cực khổ nhưng vì cả làng ai cũng yêu mến nên
anh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ngừng múa.
Về lại Trường PT DTNT năm 2010, nghệ nhân Củng tiếp tục hăng say truyền nghề cho các em học sinh. “Ca múa có nguy cơ thất truyền,
vì dân tộc Chơ Ro hiếm có biên đạo múa. Bây giờ tôi cố gắng thu thập
hết những động tác, bài múa của mình rồi trữ online, để người đời sau
biết mình ở đâu, giữ cái gì của dân tộc. Hiện giờ, chỗ nào có đồng bào
Chơ Ro là tôi muốn tới đó đào tạo, tìm những em có đam mê để truyền
nghề”, nghệ nhân Củng nói. (còn tiếp)
Người Chơ Ro ngày trước
Ngày trước, lúc vào rừng chạy giặc người Chơ Ro đi xa
săn bắn hoặc đào khoai chụp (tà nân). Khi hết khoai phải ăn củ nần (tà
là way). Bà Nhiển kể muốn ăn củ nần phải gọt vỏ, xắt thật mỏng, ngâm tầm
5 - 10 ngày, sau đó đem ra suối đạp cho hết nước đục mới đem hấp, nếu
ăn ngay sẽ chết. Làng của bà Nhiển phải chuyển chỗ liên tục vì giặc bố,
đánh bom. Những tháng yên, họ phá một lỏm đất nhỏ xa nhà để trồng lúa,
một mặt tránh máy bay phát hiện. Hai năm trước khi chiến tranh kết thúc,
người Chơ Ro sống trong rừng, lấy mật ong, thúng rổ tự đan để trao đổi
gạo, mắm, hộp quẹt... với bên ngoài.
Phạm Thu Ngân/ Báo Thanh Niên
Bài viết đăng trên Thanh Niên ngày 15/08/2020. Đọc tại đây.
Nhận xét
Đăng nhận xét